Xin chào nhà đầu tư, Gần đây tôi có được chào mời chia sẻ gói…
Đầu tư bất động sản “cõi âm” tiềm năng và siêu lợi nhuận
Trào lưu xây nghĩa trang kết hợp công viên tại Việt Nam ngày càng nở rộ, với vốn đầu tư vài trăm cho đến cả nghìn tỷ đồng. Nhiều lô đất thuộc “khu VIP” dành cho người chết lên tới hàng tỷ đồng.
I. Một số khu công viên nghĩa trang nổi tiếng
1. Nghĩa trang Lạc Hồng Viên
Nghĩa trang này do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Toàn Cầu làm chủ đầu tư, nằm trên khuôn viên 9 quả đồi rộng 98 ha tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, ngay sát trục đường Quốc lộ 6 cách trung tâm Hà Nội 52 km. Vốn đầu tư giai đoạn một là 1.500 tỷ đồng.
Nghĩa trang được xây dựng vào năm 2009 với tiêu chuẩn diện tích dành cho cây xanh và giao thông chiếm trên 60%. Bên cạnh những khu vực khuôn viên phần mộ được quy hoạch đồng bộ là các công trình chùa, đền, khu nhà đa năng hai tầng với mặt sàn rộng hơn 1.000 m2. Ngoài ra, người đi tảo mộ còn có thể ghé vào dùng cơm chay với người thân vào dịp cuối năm, Tết Thanh minh. Phương tiện được sử dụng đi lại trong Lạc Hồng Viên chủ yếu là xe ô tô điện để không gây ô nhiễm.
Giá đất ở Lạc Hồng Viên dao động 7-15 triệu đồng một m2 tùy vị trí, độ cao, hướng.
2. Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên
Nghĩa trang tại tỉnh Phú Thọ rộng 90 ha, có 9 ngọn đồi vây quanh, tổng vốn 700 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Đức làm chủ đầu tư, đưa vào khai thác từ 2013.
Đây cũng là mô hình công viên nghĩa trang kết hợp các dịch vụ thăm viếng, nhà tưởng niệm, đền thờ thần linh, chùa Thiên và một số tượng phật. Khách hàng được lựa chọn nhiều hình thức mộ phần, với diện tích khuôn viên từ 10m2 đến 500m2 như: mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình, dòng tộc, mộ tôn giáo, mộ doanh nhân, mộ ghép…
Giá mộ đơn ở đây dao động 4,5-8 triệu đồng một m2. Giá khu đẹp, phong thủy tốt có thể lên đến vài chục triệu một m2. Đặc biệt, Thiên Đức còn áp dụng mua trả góp qua ngân hàng
3. An Viên Vĩnh Hằng
Dự án tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai do Công ty TNHH Donaland làm chủ đầu tư có quy mô 116 ha, tổng số vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Dự án chia thành 9 khu chức năng, mỗi khu được thiết kế đặc thù cho từng đối tượng nhất định theo sắc thái văn hóa và tôn giáo khác nhau. An Viên Vĩnh Hằng cung cấp khoảng 60.000 chỗ an táng và hơn 300.000 chỗ lưu tro cốt, đưa vào khai thác từ năm 2012.
Ngoài ra, dự án còn có các công trình kiến trúc đặc thù như đền thờ các anh hùng liệt sĩ Đông Nam Bộ, Liệt tổ tri ân điện, Tịnh độ liên đài và tượng phật A Di Đà, tượng chúa cứu thế, Bảo tháp 9 tầng, chùa, nhà lưu cốt, hỏa táng…
Giá đất mộ đơn phổ thông ở đây có diện tích khuôn viên 1,4m x 2,8m là 50 triệu đồng một lô. Còn mộ đơn đồi hướng chùa với diện tích khuôn viên 2m x 5m, mặt hướng đông có giá cao nhất là 350 triệu đồng một lô.
4. Sơn Trang Tiên Cảnh
Được xây dựng tại tỉnh Tây Ninh năm 2011, Sơn Trang Tiên Cảnh là dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên khai thác dịch vụ dành cho người đã mất theo phong thủy, sang trọng với thời gian được cấp phép 50 năm.
Dự án do Tập đoàn Fairy Park (Malaysia) đầu tư với số vốn 20 triệu USD, diện tích khoảng 75 ha. Giai đoạn một của dự án có diện tích khoảng 14 ha, phục vụ khoảng 5.000 ngôi mộ an táng, trên 8.000 chỗ lưu trữ tro cốt hỏa táng, chưa kể phần mộ cải táng. Sơn Trang Tiên Cảnh được xây dựng theo mô hình Fairy Park tại Malaysia, có phong cảnh cây cỏ, suối nước, non bộ, các tượng thần, thánh của các tôn giáo, đội ngũ nhân viên chăm sóc mộ… Nhà mồ ốp đá hoa cương, bên trong bài trí bàn ghế đá để khách nghỉ chân, uống trà thư giãn, phần mộ người đã khuất được bố trí trang trọng ở góc nhà.
Giá huyệt mộ khu VIP với diện tích 15m x 20m chưa bao gồm xây dựng và phong thủy lên tới hơn 1,9 tỷ đồng. Khu C có giá rẻ nhất là 169,5 triệu đồng với diện tích 4,8m x 5m.
Năm 2013, chủ đầu tư Malaysia tiếp tục đưa vào khai thác Sơn Trang Tiên Cảnh thứ 2 tại tỉnh Hậu Giang với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, diện tích 24 ha.
5. Hoa Viên nghĩa trang Bình Dương
Đây là nghĩa trang kết hợp hợp công viên hiện đại đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ở tỉnh Bình Dương vào năm 2006, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa làm chủ đầu tư.
Hoa viên này có quy mô giai đoạn đầu rộng 190,2 ha với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Đây cũng là một nghĩa trang được đầu tư khá cao cấp và phân ra rất nhiều khu: tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng; dành cho các đối tượng là người có công với đất nước và cán bộ cao cấp; dành cho người gốc Hoa…
Giá trọn gói một lô đất mộ rẻ nhất tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương gần 20 triệu đồng. Còn mức giá cao nhất ở khu đồi Hàm Rồng hơn 200 triệu đồng. Riêng đối với khu mộ gia đình, gia tộc giá lên tới 600 triệu đồng (5 người). Thậm chí, nghĩa trang này còn có những khu mộ tiền tỷ.
6. Đài hóa thân hoàn vũ của Bầu Đệ
Tháng 3/2014, Tổng công ty cổ phần hợp lực của Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ – Bầu Đệ khởi công dự án Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên trên diện tích hơn 3,2 ha với kinh phí 136 tỷ đồng tại Thanh Hóa. Dự kiến, cuối năm nay công trình này sẽ khánh thành đưa vào hoạt động.
Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên được quy hoạch khá bài bản với các công nghệ xử lý tang lễ, chôn cất chu đáo. Riêng đối với khu Phúc Lạc Viên có nhà điều hành 2 tầng rộng 800m2 mặt sàn, là nơi phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho đám tang. Ngoài ra, nhà trình được thiết kế theo kiểu giả gỗ, đình chùa 8 mái, có tượng Phật bà Quan âm được đặt giữa hồ bán nguyệt, xung quanh là tượng 12 con giáp.
Là doanh nhân nổi tiếng của xứ Thanh, đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, trước đó, ông Đệ đã từng có ý định đầu tư xây dựng mô hình hỏa táng tại Nghệ An.
II.Chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tiềm năng khai thác
Trước đây, phần lớn nghĩa trang tại Việt Nam đều là công trình công cộng do Nhà nước, chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2008 quy định về hoạt động xây dựng, quản lý nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, việc xây dựng và khai thác nghĩa trang sẽ chính thức là một ngành kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp có quyền xây dựng và kinh doanh nghĩa trang với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Tinh thần chung của Nghị định là đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng và khai thác nghĩa trang. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang và khai thác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang sẽ được Nhà nước dành cho những hỗ trợ rất lớn như Cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất; Hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào; Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án; Hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích việc xây dựng các nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau – tức không phân biệt nghĩa trang của địa phương này, địa phương khác, người chết từ nơi này có thể đem đi an táng ở địa phương khác. Điều này tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng giữa các nghĩa trang và hình thành một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong tương lai khi việc mai táng, hỏa táng được quy hoạch cụ thể sẽ mở ra triển vọng phát triển của ngành rất lớn cả về quy mô và chất lượng.
Theo báo cáo của Euromonitor, quy mô ngành công nghiệp phục vụ “cõi âm” tại Trung Quốc năm 2013 lên tới 93,5 tỷ Nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) và sẽ không ngừng tăng trong những năm tới. Nhìn sang quốc gia láng giềng với nền văn hóa có phần tương đồng, có thể thấy ngành kinh doanh này thực sự là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp Việt Nam nếu như biết tận dụng khai thác.
This Post Has 0 Comments