Chào bạn thân mến Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm mình…
Lãi suất tăng thì nên làm gì ?
Về quê thấy nhiều người bạn bè, họ hàng của mình hay nói về lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Có người thì bảo 7.3%/năm, có người bảo 7.8%/năm, có người thì bảo 8%/năm. Hầu như một không khí chung là ai đấy đều rất vui. Mỗi gia đình lại có thêm đồng thu nhập khi lãi suất tăng thêm một chút. Bản thân mẹ mình bây giờ cũng vậy chỉ 100% gửi tiết kiệm ngân hàng, mặc dù con trai có bảo là đầu tư thêm trái phiếu và cam kết đảm bảo 100% bằng tiền của con thì bà cũng không chịu. Các cụ là vậy đó, mọi người luôn muốn ăn chắc mặc bền cho cuộc sống được bình yên. Mình cũng thấy rất mừng cho mọi người bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước đã giúp cho đồng tiền của mọi người tránh bị mất giá bởi lạm phát và mang lại thêm thu nhập cho mọi người.
Đối ngược với cảnh vui tươi của mọi người thì mình lại nhìn thấy rất nhiều những nỗi sợ của những người đang ôm nợ vay để đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, vay mua ô tô, vay xây sửa nhà. Khi ngân hàng nhà nước tăng lãi suất cho vay các ngân hàng thương mại thì buộc lãi suất mà người vay sẽ tăng theo. Nhìn thấy rõ nhất là khi lãi suất huy động tăng thì rõ ràng để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng thì cách thường dùng là tăng lãi suất cho vay. Các khoản vay trên thường là vay trung dài hạn nên lãi suất sẽ thường thả nổi theo sự biến động của lãi suất tiết kiệm ngân hàng hoặc lãi suất cơ sở mà ngân hàng đặt ra. Vì vậy mà rõ ràng những đợt tăng lãi suất sắp tới sẽ dẫn tới lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng mà khách hàng đã ký sẽ tăng lên. Nỗi sợ rất lớn đó là:
- Với nhưng người làm kinh doanh thì lãi suất tăng sẽ đẩy chi phí tăng lên và ăn mòn khoản lợi nhuận của họ.
- Với những người vay đầu tư tài sản thì khó có cơ mà kiếm lời được bởi khi vốn đắt thì đầu tư bất động sản, hay chứng khoán khó mà tăng chung được. Chưa kể giới hạn hạn mức tín dụng làm cho ngân hàng cũng không thể giải ngân được cho nhà đầu tư.
- Với những người vay tiêu dùng mua ô tô, vay mua, xây sửa nhà thì mà dùng tiền lương của mình để trả nợ thì đây thực sự là một lo lắng rất lớn. Bản thân mình cũng vay và thấy lãi suất trong 1 năm qua đã tăng 2 lần và hơn 2% rồi đấy. Số tiền mình phải bỏ ra để trả nợ lãi đã tăng lên. Nếu thu nhập không tăng tương ứng thì rõ ràng khoản chi phí lãi này lại ăn mòn thu nhập của mọi người. Với những anh chị mà đang đi làm lương cố định thì thực sự là một khó khăn bởi lương thì không tăng mà lãi lại cứ tăng lên.
Trong 2 năm qua nhiều người vay đầu tư chứng khoán, bất động sản cũng đã kiếm bằng lần và thoát hàng nhưng cũng có rất nhiều người ở lại ôm nợ và ôm bất động sản chờ không biết ngày nào đó tăng trở lại. Thực ra thì tiền cũng chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác trong một thời gian ngắn vừa qua thôi. Niềm vui của người này có khi lại là nỗi đau của người khác. Vì vậy mà đó cũng là cách tiếp cận bây giờ của mình không bao giờ lướt sóng tài sản.
Diễn biến của thị trường sẽ chẳng thể nào làm hài lòng tất cả mọi người đều vui được cả. Những năm tháng Covid đỉnh điểm là một thời kỳ mà nhà nhà người người nói đến chứng khoán, bất động sản. Và giờ sẽ có thể là một cuộc đua tiết kiệm đang nhen nhóm diễn ra. Và cũng có thể ngày nào cũng có rất nhiều các cụ, các anh chị bàn tán nhau về lãi gửi tiết kiệm. Những niềm vui háo hức được tiền trên sự mất mát của người khác hoặc những nỗi buồn thiu thiu vì mất tiền trong những khoảnh khắc thay đổi của thị trường sẽ chẳng thể nào giúp cho cuộc sống của chúng ta được bình yên.
Trong quá trình quan sát như vậy, mình cũng đã rút ra một bài học vô cùng giá trị đó là hãy chỉ dừng lại ở việc quan sát và nhìn thấy vẻ đẹp của thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền tệ. Còn việc của mình thì đơn giản thế này thôi:
+ Luôn chuẩn bị cho những rủi ro và biến cố có thể xảy ra với cuộc sống. Nếu lỡ may có đến thì mình cũng vui vẻ chấp nhận : Các cụ có câu đừng để mất bò mới lo làm chuồng có nghĩa trong tài chính là đừng để mất tiền rồi mới đi học cách giữ tiền, đừng để mất thu nhập rồi mới lo tìm kiếm nguồn thu nhập khác, đừng để mất việc rồi mới lo giữ việc…
+ Cảm nhận về cảm xúc của bản thân, ghi lại và điều chỉnh phương án cho đạt cảm xúc bình an. Cụ thể đang lo về nợ thì nên giảm nợ xuống, đang thấy lo lắng sợ hãi về cổ phiếu giảm nhiều quá thì nên cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống…
+ Gieo hạt cho những mục tiêu và kế hoạch trong tương lai: Vốn mình nhỏ nên có lẽ đây là thời điểm tốt để mình có thể mua những tài sản có giá mềm hơn bình thường. Mình cũng chỉ nhận thành quả cho những hạt giống mà mình đã gieo mà thôi. Nó lớn mà cho kết quả tốt thì mình nhận, nó không ra sao thì cũng vui vẻ mà chấp nhận.
+ Kiên trì, kiên trì và kiên trì thực hiện cho bằng được.
Một tư duy mà mình luôn không được quên:
“Mình phải sợ mất tiền nhưng cái mình phải sợ khủng khiếp hơn đó là đồng tiền của mình bỏ ra không mang lại giá trị “
This Post Has 0 Comments