Thưa các bạn, Hàng ngày bạn thường phát sinh rất nhiều các giao dịch chi…
Dịch vụ cầm đồ nhiều biến tướng
Trên con phố chưa đầy 2 km tại TP Hà Tĩnh có đến 20 tiệm cầm đồ hoạt động với những lời quảng cáo “có cánh” như “cầm đồ giá rẻ, cầm đồ uy tín, cầm đồ nhanh…”. Vốn bỏ ra không lớn, hưởng thu nhập cao từ lãi suất cho vay “trên mây” hoặc số tiền lời khi thanh lý hàng cầm là nguyên nhân cơ bản làm cho các tiệm cầm đồ mọc lên như “nấm sau mưa” trong thời gian gần đây.
Nhiều tiệm cầm đồ dù vô tình hay cố ý đã trở thành “sân sau” cửa hàng.
Tìm hiểu ở một số cửa hiệu cầm đồ có thể thấy quy tắc của dịch vụ này khá đơn giản, bất cứ món tiền nào được xuất ra cũng cần một tài sản khác đưa vào thế chấp. Tài sản thế chấp có thể là máy móc, thiết bị, vàng bạc, giấy tờ… miễn là quy được ra “thóc”. Nhìn chung, số tiền vay được thường chỉ bằng 1/3 hoặc thấp hơn so với giá trị của vật thế chấp và lãi suất dao động từ 4-10%/1 triệu đồng/ngày.
Trong vai người cần tiền gấp, tôi đưa chiếc xe máy của mình lượn lờ khắp khu vực thành phố và ghé vào vài tiệm cầm đồ thì nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy vì… “không chính chủ”.
“Đổi bài”, tôi quay qua cầm chiếc máy vi tính vừa mới mua thì mọi chuyện trở nên rất đơn giản. Điểm đến đầu tiên là một tiệm cầm đồ nhỏ trước cổng trường Việt Đức. Sau vài cú liếc mắt rất “nghề”, xoay trước, ngó sau để “khám” hàng, anh chủ tiệm buông lời lạnh như băng: “8 triệu, lãi suất 6%, rứa là hết giá rồi đó” mà tuyệt nhiên không hỏi một câu về xuất xứ của hàng.
Không rõ đây là lãi ngày hay lãi tháng, tôi thắc mắc: “Nếu giờ cầm nhưng ngày mai em có tiền chuộc thì lãi suất là bao nhiêu?” thì được biết, tôi phải trả tiền lãi tối thiểu cho 1 tuần là 336 nghìn, tức 6 nghìn đồng/triệu/ ngày. Lấy cớ cầm được ít tiền quá không đủ “xoay” việc, tôi ôm máy tính đứng dậy trong ánh nhìn tiếc nuối của anh chủ tiệm và câu nói chèo kéo: không có chỗ mô cao hơn thì về lại chỗ anh nha.
Tiếp tục dừng chân ở một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Công Trứ, chủ tiệm đon đả: “Cần chi đó em?”. “Anh có cầm bằng đại học, chứng minh thư không” – tôi hỏi. Rất lịch sự, anh ta trả lời: Chỗ anh chỉ cầm những thứ “hóa giá” được thôi, em thông cảm! Lôi vội chiếc máy tính từ trong túi ra, tôi nhanh nhảu: “Rứa cầm tạm cho em cái ni, “bí” tiền quá nên em cầm những gì có thể”.
Cũng sau một lúc “thẩm định” hàng, anh nói: “10 củ là hết đát, nếu em cầm lâu thì anh tính lãi suất 40 nghìn đồng/ngày, sau 1 tháng phải đến gia hạn nếu không sẽ thanh lý hàng”. Vậy là nếu đồng ý cầm, tôi sẽ phải trả 1.200.000 đồng tiền lãi cho khoản vay 10 triệu trong vòng 1 tháng, tính ra là lãi 4 nghìn đồng/triệu/ngày, hơn nữa, nếu không xoay đủ tiền chuộc đúng hạn, chiếc máy tính 23 triệu đồng mới mua nghiễm nhiên được “bán rẻ” cho chủ tiệm cầm đồ.
Vòng vèo qua một số tiệm cầm đồ, chúng tôi thấy rằng, các mặt hàng được cầm cố chủ yếu là điện thoại di động, máy tính, thỉnh thoảng có người cầm xe máy. Lượng tiền vay càng nhiều thì lãi suất càng giảm. Tiệm cầm đồ là điểm đến của nhiều đối tượng cần tiền gấp, chủ yếu ở độ tuổi 18-30. Mùa World Cup tới gần, cá độ là điều không thể không xảy ra, đương nhiên, tài sản của nhiều “thiêu thân” lao vào cá độ sẽ tìm đến những hiệu cầm đồ. Vậy là, dịch vụ này lại “sôi sùng sục”, nở rộ và bội thu.
Muôn hình, vạn kiểu
Cầm cố tài sản là một giải pháp tài chính có hợp đồng và kỳ hạn thông qua việc thế chấp tài sản để nhận tiền mặt. Tuy nhiên, ngoài hình thức cầm đồ thông qua các tiệm cầm đồ được đăng ký kinh doanh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện một số biến tướng của cầm đồ thông qua các dịch vụ “chui”.
Nguyễn Thế A. (28 tuổi, TP Hà Tĩnh, đối tượng từng bị phạt án treo về tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có) cho biết: “Vì lợi nhuận cao từ việc “bắt chẹt” khách hàng và không phải nộp thuế nên một số người tự tổ chức cầm đồ không giấy phép, hoạt động này rất khó bị phát hiện. Thủ tục cầm cố kiểu này còn đơn giản hơn so với cầm ở các tiệm cầm đồ có đăng ký, chỉ cần giấy biên nhận viết tay hoặc nếu khách quen có khi không cần bất kỳ giấy tờ gì, miễn là người cầm nắm đằng chuôi”.
Một dịch vụ cầm cố tài sản “bở ăn” thời gian gần đây được biết đến khá nhiều là “xáo” đánh bạc. Cũng theo Nguyễn Thế A., “xáo” đánh bạc là một hình thức biến tướng từ cầm đồ nhưng dịch vụ này hầu như không cần giấy tờ (hợp đồng), siêu lợi nhuận nhưng cũng dễ “mất của, hại người”. Người cho các con bạc vay tiền được gọi là “xáo”, tài sản cầm là tất cả những gì có thể “hóa giá” có tại chiếu bạc, thông thường nếu vay 1 triệu đồng, “xáo” sẽ cắt 50 nghìn tiền “phế” và chỉ đưa cho con bạc 9 trăm 50 nghìn đồng, 3 ngày đầu không tính lãi nhưng bắt đầu từ ngày thứ 4 lãi được tính 2-10% tùy mức độ quen biết…
Nguồn: Báo hà tĩnh
This Post Has 0 Comments