Chào bạn thân mến Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm mình…
Bắt đầu phải học đầu tư như thế nào- Tâm sự tài chính – Tập #15
Chào bạn. Nếu như bạn đang muốn học đầu tư mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì bài viết này thực sự là đang dành cho bạn.
Đó là những trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm sâu sắc mà Hòa đã trải qua để chia sẻ lại với các bạn trong bài viết này.
Bài viết đầu tiên Hòa sẽ nói đến là Tôi bắt đầu phải học đầu tư như thế nào. Tiêu đề khá ngắn nhưng sẽ bao trùm ở đó là:
- Lý do tại sao phải bắt đầu học đầu tư.
- Các kiến thức trọng tâm cần phải học là gì.
- Làm thế nào để bắt đầu giao dịch đầu tư đầu tiên.
Bạn có thể nghe Trên Radio kênh Postcast Tâm Sự Tài Chính hoặc đọc các nội dung chi tiết dưới đây.
Nào chúng ta hãy cùng bắt đầu đọc nhé.
1.Lý do tại sao tôi phải bắt đầu học đầu tư.
Bạn biết không, tôi bắt đầu ra Hà Nội năm 2006 để theo học trường Học Viện Ngân hàng. Ước mơ muốn thay đổi cuộc sống nghèo khó đã thôi thúc tôi học và trải nghiệm khá nhiều. Trong 4 năm đại học tôi học thì ít mà đi tham gia các hội thảo của các doanh nghiệp hoặc đi làm thực tế thì nhiều hơn.
Ở trường Ngân hàng thì hầu hết tôi được học các kiến thức về ngân hàng, về kế toán, về doanh nghiệp nhưng chẳng khi nào được học về tài chính và đầu tư cá nhân. Tôi nghĩ rằng đây là một thiệt thòi lớn của tôi so với các bạn sinh viên quốc tế.
Đến khi ra trường đại học năm 2010, tôi lao vào vòng xoáy kiếm tiền như bao người. Tôi làm cật lực, hết sức mình. Ngày nào cũng từ 8h sáng đến 9h tối mới từ cơ quan về nhà. Thu nhập thì hồi đó cũng cao các bạn ạ. Làm Ngân hàng những năm 2010 là khá tốt so với mặt bằng chung đó.
Tôi cũng đã tiết kiệm được một số tiền kha khá sau 2 năm đi làm và ước mơ làm giàu ấy cũng đã thôi thúc đi kiếm tiền ở một kênh nào đó.
Đầu tiên thì tôi cho vay một chị chuyên cho vay cầm đồ. Chị ấy đã cam kết rất chắc chắn cho tôi với mức lãi suất 6%/tháng và nếu tôi muốn rút tiền thì chỉ cần báo trước chị ấy vài ngày thôi. Thật sự đây là một mức lợi nhuận khủng khiếp đã che mờ đi mắt tôi. Và cuối cùng của thương vụ cho vay đầu tiên này sau 1 năm tôi may mắn cũng chỉ nhận được vốn gốc. Tức là tiền lãi tôi nhận được chính là tiền gốc, còn tiền gốc ban đầu tôi cho vay coi như mất luôn.
Thương vụ đầu tư thứ 2 thì tôi bắt đầu đầu tư với chứng khoán. Tôi nhớ là năm 2013 tôi bắt đầu nộp tiền mặt vào công ty chứng khoán để đầu tư. Tôi cũng tự tin lắm, tôi nghĩ mình học Ngân hàng, làm Ngân hàng thì cũng có khá nhiều kiến thức rồi thì đầu tư sẽ chắc thắng thôi.
Tôi đã mua cổ phiếu theo môi giới giới thiệu hoặc tham khảo trên các trang diễn đàn như F319, F189 … để mua. Cứ lúc nào thị trường lên tốt là tôi lại được môi giới thôi thúc mua và các trang website diễn đàn tràn ngập các mã đánh sóng, các mã đội lái… Với ước mơ làm giàu của mình thì tôi cũng cứ lao vào mua thử một ít rồi dần dần mua thêm, mua thêm.
Thị trường xuống thì càng được môi giới tư vấn mua thêm để chan giá… Tiếp nữa tôi đã dùng Margin, vay tín chấp Ngân hàng để đánh chứng khoán với mong muốn tất tay kiếm một căn nhà ở Hà Nội này. Thật không may là năm 2013 một sự cố chính trị rất lớn ở Việt Nam là sự kiện tranh chấp giàn khoan trên Biển đông giữa Việt Nam và Trung quốc.
Thị trường chứng khoán giảm 5 phiên liên tiếp kịch sàn, mỗi phiên 7% thì 5 phiên là 35% và nếu vay margin nữa thì coi như tôi đã mất gấp đôi là 70% vốn tự có rồi đó bạn ạ. Cú sốc này làm tôi trở thành con nợ luôn chứ không phải là có dư giả tiền mặt như trước nữa.
Khi đó đôi khi tôi vẫn nghĩ là mình đen chứ? và rồi tôi nghiệm ra rằng việc tất tay này đã đẩy tôi vất vả khổ sợ hơn khi thành một con nợ. Tôi không đen mà do tôi đã quá liều dồn toàn bộ nguồn lực cộng và cả tiền vay của mình vào một kênh đầu tư rủi ro.
Còn một vài trải nghiệm nữa nhưng có lẽ thôi tôi sẽ chia sẻ ở các câu chuyện sau nhé.
Qua hai bài học này thì tôi đã nhận ra rằng khi mình đầu tư thì mục đích của mình chỉ có là tiền được lời nhiều nhất, nhanh nhất. Vì thế mà lòng tham của tôi nó luôn trỗi dậy khi mà những cơ hội lời nhanh ập đến từ các lời chia sẻ của cầm đồ hay môi giới, hay các đội lái tạo tin giả trên các diễn đàn.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là tâm lý của rất rất nhiều người ở Việt Nam này đó. Câu chuyện đầu tư theo đám đông tại Việt Nam chính là ở lý do này đấy các bạn à.
Khi ngồi nhìn lại cả một quá trình này, tôi đã sai lầm cơ bản mà tôi bị mờ mắt không biết. Tôi đã không hiểu và không có một nguyên tắc đầu tư cho mình. Và tôi đã phải bắt đầu học lại những bài học cơ bản nhất về đầu tư.
2.Các kiến thức trọng tâm cần phải học đầu tư là gì
Bây giờ với bản thân tôi thì đầu tư là cả một quá trình dài và nó là hoạt động kinh doanh của cả đời tôi để nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy mà tôi đã xác định cho mình 5 nền tảng kiến thức cơ bản như sau:
Rủi ro trong đầu tư là gì?
Đây là kiến thức theo tôi là quan trọng nhất trước khi đầu tư. Trước khi đầu tư tại bất kỳ kênh nào tôi phải hiểu được rủi ro trong đầu tư của kênh đó. Nếu tôi chưa đủ nhận xét để đánh giá nó thì tôi phải dựa trên các chuyên gia nhận xét và đánh giá để tôi có thêm góc nhìn về kênh đầu tư này.
Tôi lấy ví dụ đơn giản cho bạn dễ hiểu như này: Trước khi tôi đầu tư cho vay một khách hàng vay nào đó thì tôi cần phải đánh giá được các rủi ro về khả năng trả nợ của người này, về uy tín của anh ấy, về lịch sử trả nợ … Các nghiệp vụ này phải dựa trên cơ sở hồ sơ khách hàng cung cấp, thẩm định thực tế… Ngoài ra tôi cũng phải tìm cách đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn giữ được tối thiểu vốn gốc cho mình.
Hiệu quả trong đầu tư.
Đây là một yếu tố rất quan trọng để quyết định xem khả năng sinh lợi của phương án mà tôi đầu tư.
Việc đánh giá hiệu quả của phương án thì không phải ai cũng có thể đánh giá được vì phải cần người có kiến thức chuyên môn sâu. Vậy nên với người không có kinh nghiệm thì có thể dựa trên các báo cáo đánh giá của các tổ chức uy tín, các chuyên gia uy tín.
Khi đầu tư cổ phiếu tôi cũng thường xem báo cáo đánh giá của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngoài ra có một kinh nghiệm cực kì quan trọng là tôi dựa trên dữ liệu quá khứ của doanh nghiệp đó. Ví dụ doanh nghiệp đó thường xuyên chi trả cổ tức trong bao lâu, mức cổ tức như thế nào. Từ đó tôi sẽ tính ra được hiệu quả đầu tư có thể đạt được trong năm tôi đầu tư.
Kỳ vọng về mức sinh lời đầu tư.
Yếu tố này cũng khá quan trọng đây, nó thể hiện mong muốn của tôi về đầu tư. Thông thường thì tôi kỳ vọng lợi nhuận khoảng 15% – 20%/năm là được rồi. Tôi chỉ tìm kiếm và xem xét giải ngân các kênh đầu tư với mức lợi nhuận này là chủ yếu.
Các bạn biết đấy, có một câu nói mà bất biến trong đầu tư đó là: Lợi nhuận cao thì rủi ro cao, lợi nhuận thấp thì rủi ro thấp.
Hãy luôn luôn nhớ câu nói này trong bất kể hoạt động đầu tư nào của bạn, tôi thấy nó đúng và nó thấm với tôi lắm rồi.
Kiên trì trong đầu tư
Kiến thức này nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự khó đó bạn à.
Trước khi đầu tư thì chúng ta đã đánh giá về các rủi ro và hiệu quả đầu tư, rồi sự kỳ vọng. Nhưng nếu không may mà trong ngắn hạn các đánh giá không thật sự đúng đắn thì sao? Hiệu quả đầu tư không theo ý mình thì sao.
Tôi lấy một ví dụ ngắn như thế này: Khi đầu tư vào một mã cổ phiếu, nếu không may tin tức không tốt, chẳng hạn như dại dịch này cổ phiếu đi xuống 10%- 20% chẳng hạn thì bạn có sẵn sàng theo đuổi cổ phiếu đó không.
Bạn hãy xem các quỹ đầu tư có bao giờ họ đầu tư vào một công ty trong 1 đến 3 tháng không? Tối thiểu trong danh mục của họ cũng là hàng năm, hai năm, ba năm thậm chí 10 năm mới hái quả ngọt.
Với tôi bây giờ thì sự kiên trì đầu tư là rất quan trọng. Khi đầu tư vào một phương án thì tôi sẽ phải xác định đầu tư với thời gian hàng năm trở lên chứ không chỉ trading lướt sóng. Tôi phải tập một thói quen này cho mình với một sự kiên nhẫn cao nhất.
Cơ cấu danh mục trong đầu tư.
Không bao giờ bỏ trứng vào một giỏ là một nguyên tắc mà nhà đầu tư nào cũng phải biết. Trong danh sách của tôi phải có nhiều kênh đầu tư với các mức rủi ro khác nhau. Nếu rủi ro thấp tôi sẽ để tỷ trọng đầu tư cao, nếu rủi ro cao tôi sẽ để tỷ trọng đầu tư thấp.
Đầu mỗi năm tôi sẽ cơ cấu và xác định một danh mục đầu tư cho mình một cách rõ ràng nhất. Danh mục này cũng có thể thay đổi từ 3 tháng đến 6 tháng hoặc 12 tháng.
3. Bắt đầu đầu tư như thế nào?
Để bắt đầu thực hiện đầu tư thì nội dung chi tiết này sẽ giúp các bạn biết quản trị tiền của mình, hạn chế rủi ro mất tiền và kiếm tiền của mình một các bền vững và bình an nhất.
Nào chúng ta hãy bắt đầu với 4 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Học các kiến thức và trải nghiệm về các tài sản để hiểu về nó.
Mình nói ở bước này là khía cạnh học về lý thuyết kèm với trải nghiệm. Bạn hãy bắt đầu bằng số tiền tối thiểu, nhỏ nhất và bạn có thể chấp nhận mất cũng được.
Ví dụ: Bạn muốn biết về đầu tư trái phiếu thì hãy hiểu bản chất cơ bản của trái phiếu, sau đó trải nghiệm đầu tư với một số tiền tối thiểu với nó. Ví dụ: 1 triệu đồng bạn cũng có thể mua Trái Phiếu Vingroup chẳng hạn.
Bạn sẽ hiểu được các thông tin trái phiếu, hiểu được hợp đồng mua bán trái phiếu, cách thức giao dịch, cách thức trả gốc, lãi và cuối cùng khi đáo hạn bạn sẽ tính ra được một tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu. Nó có đạt kỳ vọng cho mình không.
Nếu trong quá trình nắm giữ, bạn cần tiền mà muốn bán thì bạn làm như thế nào? Cách thức thực hiện ….
Hiện tại có rất nhiều công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cho phép bạn học trải nghiệm việc đầu tư này đều được. Tuy nhiên bạn cần xem xét đến 2 yếu tốđó là Chi phí thấp nhất và sự thuận tiện trong giao dịch từ khâu mở tài khoản đến khâu bán tài sản thu tiền về.
Mình nghĩ rằng ứng dụng TCinvest của Công ty chứng khoán Ngân hàng Techcombank (TCBS) có thể đảm bảo cho bạn về mặt chi phí rẻ nhất và toàn bộ các giao dịch từ khâu mở tài khoản đến khi bán tài sản đều 100% online.
Bạn cứ thỏa sức trải nghiệm và học hỏi trong việc hiểu rõ sản phẩm tài chính đầu tư nhé.
Các nội dung về kiến thức và trải nghiệm Hòa có xây dựng các video dạy về để hiểu và tài sản và trải nghiệm đầu tư Miễn Phí trên Kênh Youtube để các bạn có thể dành thời gian học lúc nào cũng được.
Xin nhấn mạnh là chia sẻ hết những trải nghiệm, những kiến thức mình đã biết về đầu tư tài chính rất căn bản với người mới bắt đầu.
Bạn hãy đặt ra các tình huống để bắt đầu trải nghiệm với nó để tìm ra một cách hiệu quả nhất trước khi vào một số tiền lớn để đầu tư.
Bước 2: Xây dựng tư duy đầu tư rõ ràng với người mới.
Mục tiêu đầu tư của bạn là gì?
Làm gì thì làm cũng phải xác định rõ mục tiêu cho mình trước hết bạn ạ. Như mình thì phải xác định rõ cụ thể 3 mục tiêu chính.
- Lợi nhuận: Giúp cho tiền của mình sinh tiền đạt kỳ vọng mong muốn. Ví dụ 15%/năm hoặc 20%/năm chẳng hạn.
- Niềm vui : Khi đầu tư phải vui vẻ với kênh đầu tư đó. Nói đơn giản là ăn ngon, ngủ yên với nó, xác suất mất tiền ở ngưỡng mình chấp nhận được. Nếu có mất thì coi như đây là một bài học đáng giá.
- Có ích : Ý này khá là hay các bạn nhé. Tiền của mình phải có ích cho một ai đó, một điều gì đó hoặc một ý nghĩa nào đó. Mình nhìn được tiền của mình đi có ích cho đất nước, cho xã hội là tuyệt vời rồi. Ví dụ bạn mua cổ phiếu của một doanh nghiệp năng lượng sạch chẳng hạn, đó là một cách để bạn biết tiền của mình đã đến một doanh nghiệp kinh doanh góp phần bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp có lợi nhuận, bạn sẽ có lợi nhuận, đất nước có thuế, người dân được hưởng bầu không khí sạch hơn.
Tư duy nhìn nhận về việc kiếm lợi nhuận phải rõ ràng.
Lợi nhuận trong một kênh đầu tư sẽ được sinh ra trong 2 trường hợp như sau:
- Bạn mua bán tài sản đó và hưởng chênh lệch trong ngắn hạn. Trường hợp này mình hay gọi tài sản mà mình mua chỉ là hàng hóa để trao đổi mua bán kiếm lời chênh lệch do cung cầu về tài sản thay đổi.
- Bạn mua tài sản đó và giữ nó lâu dài để hưởng các phần thưởng từ thành quả của nó mang lại. Trường hợp này có thể hiểu mình nhận giá trị lợi nhuận từ sự gia tăng giá trị của tài sản.
Mình lấy ví dụ như sau:
Khi bạn mua cổ phiếu Vingroup (VIC) thì bạn phải xác định rõ việc kiếm lợi nhuận của cổ phiếu này như thế nào.
Cách 1: Tôi sẽ thường xuyên mua bán giao dịch hàng ngày để hưởng chênh lệch giá bán, lên xuống. Tôi phân tích, đánh giá, nhận định thị trường để xác định điểm mua, điểm bán cổ phiếu để kiếm lời. Cách này rõ ràng dành cho người có nhiều thời gian đầu tư., có kiến thức chuyên sâu.
Cách 2: Tôi mua cổ phiếu VIC để nắm giữ lâu dài, khi doanh nghiệp tăng trưởng tài sản, lợi nhuận tăng thì tự nhiên giá cổ phiếu tôi mua sẽ tăng lên. Ngoài ra tôi cũng sẽ còn nhận thêm một số khoản cổ tức, cổ phiếu thưởng thêm của doanh nghiệp nữa. Cách này dành cho người không chuyên cũng có thể làm được.
Không có cách nào tốt nhất, lựa chọn là ở bạn, bạn thấy mình phù hợp với cách nào thì bạn chọn.
Bước 3: Xây dựng chiến lược đầu tư với người mới bắt đầu.
Làm bất kỳ một việc gì muốn thành công thì phải có một phương pháp và một chiến lược cụ thể bạn ạ.
Một khoản tiền của bạn được nhân lên bao nhiêu lần hay mất đi bao nhiêu nó phụ thuộc rất lớn vào chiến lược bạn chọn và đặt ra.
Nguyên Tắc chọn kênh đầu tư.
Trước hết mình cần có một số Nguyên Tắc chọn kênh Đầu tư như sau:
Tất cả các tài sản mà Hòa đầu tư đều đảm bảo các tiêu chí:
- Về mức độ an toàn về vốn ở mức cao .
- Tính thanh khoản cũng ở mức cao, tức là tài sản luôn có thể chuyển đổi thành tiền mặt nếu cần.
- Đầu tư đơn giản, chi phí thấp nhất.
Để đảm bảo được các nguyên tắc đầu tư này thì các tài sản đầu tư của Hòa luôn mang một yếu tố tiên quyết là minh bạch về dòng tiền, minh bạch về thông tin và hiệu quả của kênh tài sản luôn được đo đếm trong 1 thời gian quá khứ.
Phân Bổ Danh Mục đầu tư.
Để đảm bảo vốn đầu tư luôn được an toàn và ổn định, mình sẽ Phân Bổ Danh Mục đầu tư.
Cụ thể ví dụ minh họa như sau:
- Vàng : 20%
- Cổ phiếu: 20%
- Quỹ cổ phiếu:5%
- Trái phiếu 10%
- Đất 20%
- Cho vay ngang hàng: 20%
- Tiết kiệm 5%
Tỷ lệ này sẽ tùy từng khẩu vị của mỗi người sẽ có mức phân bổ khác nhau và cũng tùy từng khoản tiền của mọi người nữa.
Tùy từng năm mà mình sẽ điều chỉnh danh mục tập trung vào tài sản nào cho phù hợp với dòng chảy tiền trong nền kinh tế.
Cách thức phân bổ như thế nào: Bạn có thể tham khảo Video mà Hòa đã dựng: Hướng dẫn phân bổ tài sản đầu tư năm 2021.
Mình ít thời gian đầu tư, ít thời gian để theo dõi bảng giá, ít có thời gian để giao dịch mua bán hàng ngày. Nên mình chọn một cách đơn giản.
Phương pháp đầu tư:
Phương pháp đầu tư mình lựa chọn là Tích Lũy Tài Sản.
- Đối với các khoản đầu tư thu nhập cố định (Trái phiếu, Vàng, Cho vay ngang hàng, bất động sản): Hòa sẽ đầu tư 1 lần, nhận lãi hàng tháng và tiếp tục tái đầu tư kênh thu nhập cố định
- Đối với các khoản đầu tư thu nhập dựa trên tăng trưởng tài sản (Cổ phiếu, quỹ cổ phiếu): Đầu tư tích lũy hàng tháng.
Sẽ có nhiều anh/chị sẽ hỏi bây giờ tôi có một số tiền lớn thì tôi đầu tư cổ phiếu một lần có được không. Theo cá nhân mình thì việc vào tiền một lần trong một thời điểm với cổ phiếu là tương đối rủi ro. Việc xác định thời điểm mua cổ phiếu để kiếm lời với cổ phiếu là hoàn toàn khó khăn.
Mình thay đổi cách mua cổ phiếu một lần bằng cách mua cổ phiếu nhiều lần. Cụ thể mình có thể vẫn để tiền ở tiết kiệm/trái phiếu và mình chia thành 12 sổ tiết kiệm/trái phiếu để mua cổ phiếu liên tục trong 12 tháng.
Như vậy sẽ hạn chế được bạn sẽ phải mua ở mức giá đỉnh. Thị trường không thể đi ngang trong 1 năm và cũng không tăng mãi trong 1 năm và cũng không giảm mãi trong 1 năm được.
Bước 4: Lập kế hoạch tài chính cá nhân cho bản thân mình.
Bước này rất quan trọng và có thể nói là quan trọng nhất trong mọi quyết định sau này của bạn. Thành hay bại trong cuộc đời về tài chính nó nằm ở kế hoạch cụ thể này.
Mình chắc chắn rằng mọi rối loạn hay vô phương hướng trong đầu tư nó đều được giải quyết nếu chúng ta hiểu rõ được căn nguyên của vẫn đề.
Mình muốn chỉ rõ cho các bạn hiểu rằng đầu tư nó chỉ là công cụ để chúng ta kiếm tiền đạt được các mục tiêu tài chính cho mình thôi.
Vậy nên hãy xác định mục tiêu tài chính cụ thể ví dụ như:
- Một cuộc sống độc lập tài chính mà không phải lo nghĩ về tiền.
- Một dòng tiền thụ động mà không đi làm vẫn có thu nhập.
- Một căn nhà mơ ước mà không phải lo nghĩ bị đuổi ra khỏi nhà thuê
- Một chiếc ô tô như ý để không phải chịu cảnh mưa nắng bụi bặm
- Thoát khỏi nợ nần chồng chất để đỡ khổ sở vì tiền.
- Đi xe đạp hàng ngày mà không phải nghĩ về tiền.
- Đi du học mà không phải lo về tiền.
- ……………
- Còn nhiều mục tiêu khác nữa. Nếu có thể bạn comment ý kiến của bạn dưới cuối bài viết này.
Khi có mục tiêu rồi, thì việc lập kế hoạch tài chính để thực hiện mục tiêu này rất quan trọng. Kế hoạch này phải thực sự chi tiết và có khả năng thực hiện được cao nhất. Mỗi người sẽ có một mục tiêu riêng, một lợi thế và yếu điểm riêng.
Bạn đừng bỏ qua video Hòa đã minh họa hết sức chi tiết kế hoạch đầu tư tích lũy tài sản cho mình như sau:
Vì vậy mà kế hoạch của mỗi người sẽ là không giống nhau. Vì vậy mà nếu bạn có khó khăn trong việc lập một kế hoạch tài chính cho mình thì có thể tham khảo chương trình Coaching 1-1 lập kế hoạch tài chính cá nhân này.
Mình tin chắc các bạn sẽ có một bản kế hoạch tài chính hoàn chỉnh để vững bước trong quá trình đầu tư của mình.
Hoặc đơn giản là các bạn chỉ cần người định hướng cho mình thì đừng ngần ngại đặt lịch với Admin tại chương trình Cafe Tài Chính. Bạn sẽ được nói chuyện với Admin và chia sẻ mọi mong muốn của của bạn. Admin sẽ tư vấn và định hướng cho bạn thực hiện mục tiêu của mình.
Hoặc bạn có thể tự mình lập một bản kế hoạch tài chính cá nhân cho mình hoàn chỉnh khi tham gia khóa đạo tạo Lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Mình vẫn thực hiện mãi như vậy trong nhiều năm để đảm bảo ba mục tiêu về Lợi nhuận, An Vui và Có ích như vậy đó.
Trên đây là vài dòng chia sẻ những ngày cuối năm. Hy vọng có thêm góc nhìn cho các bạn mới bắt đầu thực hiện đầu tư.
Chúc các bạn một ngày mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Cảm ơn các bạn đã luôn luôn ủng hộ website TienCuaToi.vn
This Post Has 0 Comments